Cần Thơ đặt mục tiêu hoàn thành cầu Trần Hoàng Na trước ngày 31/12/2023

Cần Thơ quyết tâm hoàn thành công trình cầu Trần Hoàng Na trước ngày 31/12/2023 để kịp khánh thành, chào mừng kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương…

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu mới đây đã cùng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố, các sở, ngành đi kiểm tra tiến độ các công trình thuộc dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3).
Theo đó, đoàn kiểm tra đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối quận Ninh Kiều với quận Cái Răng và công trình xây dựng âu thuyền Cái Khế tại rạch Cái Khế (quận Ninh Kiều).

Dự án cầu Trần Hoàng Na được khởi công vào ngày 18/9/2020, thời hạn hợp đồng gia hạn đến tháng 12/2023, do nhà thầu Liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – CTCP (CIENCO 1) và Công ty cổ phần Cầu 14 thực hiện.

Báo cáo với lãnh đạo thành phố, ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ, cho biết dự án có giá trị hợp đồng hơn 791 tỷ đồng, lũy kế thực hiện đến nay đạt 652 tỷ đồng, tương đương 88,8%. Giá trị giải ngân hơn 505 tỷ đồng, đạt gần 69%.
Trong đó, liên danh nhà thầu đã thi công hoàn thành toàn bộ phần trụ, tường chắn của cầu, hoàn thành hợp long hệ thống các thanh dầm và vòm cầu. Hiện nay, đang tiếp tục thi công các hạng mục như: lu nền cấp phối đá dăm, đường dẫn, đúc các tấm bản mặt cầu chính tại nhà máy, vận chuyển khối lượng thép còn lại về công trường và thi công các hạng mục lan can,…ở cả hai bờ Ninh Kiều và Cái Răng.
Theo Ban Quản lý Dự án ODA Cần Thơ, công trình đang gặp một số khó khăn, vướng mắc khiến công trình chậm tiến độ. Cụ thể, đối với 3 nhịp dầm thép chính (chiều dài 270m), do thi công trực tiếp lắp đặt và hàn các khối dầm trực tiếp ngoài công trường nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và khí hậu, nhất là trong giai đoạn mùa mưa bão trong thời gian hiện tại.

Bên cạnh đó, việc giải ngân từ nhà thầu chính cho các nhà thầu phụ quá chậm dẫn đến việc chậm triển khai thực hiện phần khối lượng của các nhà thầu phụ.
Đối với âu thuyền Cái Khế, công trình được khởi công ngày 9/9/2022, âu thuyền có giá trị hợp đồng gần 473 tỷ đồng, giá trị thực hiện trên công trường hiện đạt trên 217 tỷ đồng (52%); giá trị giải ngân 236,5 tỷ đồng (56,6%).
Theo đó, thời gian thi công 22 tháng, hết hợp đồng vào ngày 30/6/2024. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn – Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp – Công ty Cổ phần Đầu tư DTC.
Hiện, công trình đã hoàn thành các hạng mục gồm hai khoang cống và âu thuyền. Nhà thầu đang thi công lắp đặt các cửa cống và cửa âu thuyền, thi công nhà quản lý, thả rọ đá…

Tuy nhiên, công trình cũng đang gặp khó do mặt bằng được giao không liên tục, các hộ dân trong phạm vi thi công nhà quản lý phía bờ Cái Khế chưa di dời, ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai của nhà thầu.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố trong phạm vi trách nhiệm của mình phải xử lý các khó khăn, vướng mắc của những công trình thuộc Dự án 3.
Đối với những hộ dân chưa di dời bàn giao mặt bằng, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều tập trung tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ âu thuyền Cái Khế để thử nghiệm hiệu quả của âu thuyền trong những đợt triều cường sắp tới, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Nếu không đẩy nhanh tiến độ thì phải chờ sang năm 2024 mới có thể kiểm tra hoạt động của âu thuyền.
Đối với cầu Trần Hoàng Na, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng hiện nay không còn vấn đề nào phức tạp, đều nằm trong thẩm quyền của thành phố. Do đó, Ban Quản lý Dự án ODA, các sở, ngành, hai quận Ninh Kiều, Cái Răng cố gắng quyết liệt, sớm hoàn thành công trình trước ngày 31/12/2023, có thể sớm hơn một tuần để kịp khánh thành, chào mừng kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (1/1/2004 – 1/1/2024).

Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đây là những công trình quan trọng của thành phố, phục vụ lợi ích của cả động đồng chứ không phải chỉ một vài người nên cần làm kỹ càng. Nếu cần có thể huy động cán bộ địa chính, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phụ trách lĩnh vực đô thị ở các phường không vướng dự án để hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng, sử dụng nhiều biện pháp, dồn lực thực hiện dựt điểm phần này.



Nguồn: vneconomy.vn